Mạng xã hội: FacebookTwitterG+In

  • Slide 01
    Slide 01
  • Slide 02
    Slide 02

“Ông lớn” ngành tôn mạ kỳ vọng gì vào cuối năm?

Trong 8 tháng đầu năm 2015, dù thị trường tôn mạ nội địa đối mặt với sự cạnh tranh thị phần khốc liệt, CTCP Tôn Hoa Sen và CTCP Thép Nam Kim vẫn ghi nhận đột biến lợi nhuận do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.

“Ông lớn” ngành tôn mạ kỳ vọng gì vào cuối năm?

Trên thị trường tôn mạ Việt Nam, HSG và NKG là hai doanh nghiệp đầu ngành với thị phần lớn, tổng thị phần của hai doanh nghiệp đạt trên 50%. HSG và NKG đã ghi nhận một số điểm sáng trong tình hình kinh doanh quý II/2015 vừa qua.

Lợi nhuận đột biến do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh

Giá nguyên liệu đầu vào là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn ngành tôn mạ. Giá nguyên liệu đầu vào để sản xuất tôn mạ là thép cuộn cán nóng HRC và cuộn cán nguội CRC, đã lần lượt giảm khoảng 9,3% và 13,7% tại thời điểm hiện tại so với thời điểm đầu quý. Tương ứng mức giảm lần lượt là 29,8% và 32,0% so với thời điểm đầu năm.

Theo khảo sát của BVS, giá bán lẻ một số cửa hàng phân phối sản phẩm tôn Hoa Sen tại  TP.HCM trong quý III năm 2015 không có nhiều biến động. Còn NKG thì chia sẻ giá bán điều chỉnh khoảng 15% so với đầu năm. Dù giá bán và giá nguyên liệu đầu vào cùng giảm song tốc độ giảm giá nguyên liệu nhanh hơn đã góp phần tạo nên đột biến về lợi nhuận sau thuế của hai ông lớn ngành tôn mạ.

Do đó, BVSC dự đoán lợi nhuận sau thuế của HSG có thể đạt mức lợi nhuận 630 tỷ trong niên độ 2014 - 2015. EPS của HSG có thể đạt khoảng 6.250 đồng/cổ phần, mức P/E khoảng 6,56 lần, mức khá thấp. Với NKG, lợi nhuận sau thuế của NKG năm 2015 vào khoảng 140 tỷ, tương đương EPS khoảng 2.637 đồng/cổ phần, P/E  khoảng 5,01 lần, mức khá hấp dẫn.

Rủi ro từ thị trường nội địa

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam hiện đang có 15 doanh nghiệp lớn và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ, tôn mạ màu, với năng lực sản xuất trên 4 triệu tấn/năm.

VSA cũng dự báo tiêu thụ tôn thép trong nước năm 2015 nếu tăng 15% so với năm 2014, cũng chỉ đạt 3,25 triệu tấn. Hệ quả là sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trên thị trường tôn thép sẽ rất khốc liệt. Ngoài ra, các doanh nghiệp tôn thép trong nước còn phải chia miếng bánh thị phần không nhỏ cho các công ty nhập khẩu. Trên thị trường Việt Nam, tổng thị phần nội địa của HSG và NKG đạt trên 40% .

Trong khi đó, dù đã chiếm thị phần rất lớn trên thị trường, HSG và NKG đều có kế hoạch đầu tư tăng công suất tôn mạ lên gấp khoảng 2 lần mức hiện tại. Cụ thể, HSG sẽ đầu tư thêm nhà máy tại Nghệ An với công suất 1.000.000 tấn/năm, NKG sẽ nâng công suất tại nhà máy Nam Kim 3 với công suất mạ kẽm 350 nghìn tấn /năm, mạ màu 120 nghìn tấn/năm.

Việc tăng công suất của hai ''ông lớn'' ngành tôn mạ tiềm ẩn nhiều rủi ro do khả năng thừa cung của thị trường nội địa trong những năm tới. Có thể mục tiêu mà cả HSG và NKG  hướng tới là tiếp tục mở rộng và đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.Bên cạnh đó, đầu ra tiêu thụ cũng gặp phải không ít khó khăn do vấn nạn hàng giả, hàng nhái chiếm lĩnh thị trường trong nước. Đây đều là những sức ép dài hạn mà cả HSG và NKG đều đang phải đối mặt.

Nguồn tin: Bizlive